Siêu thị tăng bán vải thiều

Đăng bởi Quảng cáo S&T vào lúc 26/05/2021

Các siêu thị đang cấp tập lên kế hoạch tiêu thụ trái vải, hỗ trợ bà con nông dân mùa dịch bệnh.

Chuyến vải Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đã được cập bến TP HCM cách đây vài ngày và đang bày bán trên kệ siêu thị Big C (thuộc hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail).

"Người dân Sài Gòn rất thích vải miền Bắc, nên khi siêu thị bắt đầu bán mặt hàng này, nhiều người đã tìm tới mua. Số lượng tiêu thụ vải đang rất tốt", đại diện Big C Gò Vấp cho biết.

Trái vải Hải Dương được bày bán tại siêu thị BigC Gò Vấp ngày 25/5. Ảnh: Linh Đan
Trái vải Hải Dương được bày bán tại siêu thị BigC Gò Vấp ngày 25/5. Ảnh: Linh Đan.

Với vải Bắc Giang, theo đại diện Tập đoàn Central Retail, cách đây một tháng tập đoàn này cũng đã làm việc với tỉnh và các nhà cung cấp về kế hoạch thu mua, tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2021. Bắc Giang đang trong tâm dịch lần thứ 4, nên doanh nghiệp đang tính toán các phương án vận chuyển để đưa trái vải thiều của tỉnh này lên kệ sớm nhất.

Dự kiến tuần sau, những trái vải thiều Bắc Giang đầu tiên sẽ được bày bán trên kệ các siêu thị thuộc hệ thống BigC. Năm ngoái, siêu thị này bán 1.000 tấn vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và dự kiến lượng tiêu thụ năm nay cũng tương đương, thậm chí cao hơn so với vụ năm ngoái.

Trong khi đó, hệ thống VinCommerce cho biết, họ cũng sẵn sàng tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hai tháng trước, cán bộ của siêu thị đã làm việc với tỉnh Bắc Giang để kết nối, tiêu thụ vải thiều.

Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce, ngoài tiếp cận thông tin trực tuyến, các cán bộ kiểm định chất lượng của siêu thị đến từng vùng trồng để đánh giá, kiểm soát và thu mua trước khi nhập sản phẩm vào hệ thống. Kế hoạch thu mua, tiêu thụ mặt hàng đặc sản này liên tục được tính toán, cập nhật theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Đại diện hệ thống Saigon Co.op cũng cho hay, rút kinh nghiệm từ đợt dồn ứ nông sản Hải Dương trước Tết Âm lịch do Covid-19, chính quyền các tỉnh và doanh nghiệp đều đã có kịch bản tổ chức tiêu thụ, bảo đảm vận chuyển nông sản từ các vùng sản xuất đến các đầu mối thu mua được thông suốt. Vì thế, ông cho rằng trường hợp dịch vẫn trong tầm kiểm soát thì không lo khâu vận chuyển, kho bãi; các doanh nghiệp phân phối sẽ tập trung đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Mùa vụ vải năm nay, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op dự kiến tiêu thụ 400-500 tấn.

Trường hợp dịch tiếp tục lan rộng, diễn biến khó lường hơn, Saigon Co.op đã tính tới phương án mở thêm kênh tiêu thụ trái vải với giá tốt thông qua việc "bắt tay" cùng một số sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.

Tương tự, đại diện hệ thống MM Mega Market cũng cho biết trái vải Bắc Giang, Hải Dương đã có mặt tại siêu thị thuộc hệ thống này trên cả nước. Song song với kênh bán trực tiếp, nhà bán lẻ này còn đẩy mạnh kênh bán hàng online trên website của hệ thống, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại...

Ngoài kênh bán tại các hệ thống phân phối, dịch bệnh đang tạo ra kênh tiêu thụ mới cho nông sản, trong đó có vải thiều là bán qua sàn thương mại điện tử. Bắc Giang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, những trái vải đầu tiên của tỉnh sẽ có trên kệ hàng online của một số sàn thương mại điện tử trong nước và sàn quốc tế như Alibaba, Amazon. Ngoài ra, tỉnh này cũng thúc đẩy kênh bán trên các website trực tuyến như dacsanlucngan, vaithieubacgiang.

Trước đó, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được bày bán, tiêu thụ trên gian hàng trực tuyến của sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo. Ông Nguyễn Quang Thuật - Phó tổng giám đốc Sendo cho biết, trong ngày đầu mở bán (ngày 24/5) sàn này đã tiêu thụ hơn 6 tấn, với giá ưu đãi 18.000 đồng một kg. Dự kiến, Sendo sẽ tiêu thụ khoảng 12 tấn vải thiều Hải Dương trong 4 ngày mở bán loại nông sản này. Còn trên sàn Lazada, gần 3 tấn vải u trứng của Hải Dương đã được tiêu thụ trong 4 ngày.

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 25/5, ông Dương Văn Thái - Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang cũng đánh giá, vụ vải thiều năm nay "hết sức khó khăn do dịch bệnh".

"Tỉnh xác định tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh thị trường xuất khẩu", ông Thái nói và đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các kênh phân phối, siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử, các tỉnh, thành phố bạn tạo điều kiện tiêu thụ, vận chuyển hàng nông sản của tỉnh Bắc Giang.

Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với 2020. Trong đó, vải chín sớm 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Riêng sản lượng vải tại huyện Lục Ngạn - một trong hai "vựa" vải của Bắc Giang khoảng 120.000 tấn. Huyện này lên kế hoạch tiêu thụ nội địa khoảng 67.000 tấn, chế biến 23.000 tấn và 32.000 tấn dành cho xuất khẩu.

Bắc Giang đưa ra 3 kịch bản tiêu thụ vải mùa vụ 2021 trước diễn biến Covid-19 phức tạp. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của quả vải Bắc Giang vẫn là Trung Quốc, số ít còn lại sẽ xuất sang Nhật Bản, Australia, Singapore...

Còn tại Hải Dương, mùa vụ vải 2021 tỉnh này sẽ thu hoạch 55.000 tấn vải (vải sớm khoảng 30.000-35.000 tấn, vải chính vụ khoảng 20.000-25.000 tấn), tăng 10.000 tấn so với 2020. Huyện Thanh Hà duy trì 17 vùng trồng, diện tích 155,2 ha được cấp mã số đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản...

Lĩnh vực sản xuất Tp.HCM đang có dấu hiệu phục hồi

26/05/2021 Quảng cáo S&T 0

Sài Gòn vẫn thiếu shipper

26/05/2021 Quảng cáo S&T 0

Bảng hiệu quảng cáo marketing rẻ nhất

26/05/2021 Quảng cáo S&T 0

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Zalo
Hotline
Công ty Quảng cáo S&T